2/8/12

[Quảng Trị] Nông dân làm giàu nhờ nuôi dê

Lấy ngắn nuôi dài
Ngược lên miền tây Gio Linh, chúng tôi tìm đến thôn Trảng Rộng, xã Hải Thái, một vùng kinh tế mới của huyện Gio Linh (Quảng Trị) những năm 80. Kết quả sau hơn 20 năm khai vỡ đất hoang, Trảng Rộng – cái tên nghe xa xôi, vời vợi đang mở ra “vùng đất hứa” với những trang trại trồng rừng, cao su, chăn nuôi…đang vào độ thu hoạch.


Năm 1992, vợ chồng anh Hoàng Văn Thắng, ở Nhĩ Hạ, Gio Linh lên Trảng Rộng lập nghiệp với số vốn ban đầu chỉ 1 triệu đồng nhà nước hỗ trợ cho gia đình khi lên sống ở vùng kinh tế mới. Sau gần 20 năm chèo chống, tài sản gia đình anh bây giờ là một trang trại gồm 15 ha cao su, 5 ha rừng kết hợp chăn nuôi lợn, bò, dê và hươu với tổng trị giá trên 3 tỷ đồng. Đứng giữa vườn cao su bạt ngàn đang vào độ khép tán, chúng tôi không khỏi thán phục trước ý chí làm giàu của người nông dân này.

Anh Thắng nhớ lại: “Đồng hành cùng vợ chồng tui những ngày đầu lập nghiệp là con bò mẹ vừa để đẻ làm giống vừa lấy sức cày kéo. Đất thì bạt ngàn lau lách, bò đi trước, người đi sau, cứ thế mà vỡ đất. Trước khi trồng cao su, tui trồng khoai, trồng sắn, trồng lúa, trồng bắp…vừa để chống đói vừa có thức ăn chăn nuôi lợn, gà…”.

Lấy ngắn nuôi dài, trang trại của vợ chồng anh được mở rộng dần. Gà đẻ gà, lợn sinh lợn…bán lợn gà tích góp mua trâu bò. Đất vỡ được mỗi ngày một nhiều, số tiền dành dụm được anh đầu tư vào trồng rừng. Sau 5 năm, anh bán toàn bộ bạch đàn và dốc vốn liếng vào trồng gần 10 ha cao su …

Ngày tháng qua đi và bây giờ anh có cơ ngơi như hôm nay. Đúng theo kiểu làm ăn lấy ngắn nuôi dài, 15 ha cao su của trang trại anh được chia làm nhiều độ tuổi, trong đó 1 ha trồng đầu tiên đã cho khai thác với thu nhập bình quân 200.000 đồng/ ngày và 3 ha sẽ được khai thác vào năm tới, số còn lại hơn 2 năm nữa sẽ cạo mủ. Mặc dù vợ chồng anh đang sở hữu một trang trại cao su lớn như vậy nhưng hàng ngày anh vẫn vào rừng thu mua gỗ của các chủ rừng về bán cho các nhà máy ván ép.

Theo tính toán của vợ chồng anh, khoảng 2 năm nữa diện tích cao su đi vào khai thác của gia đình anh cũng phải trên 10 ha, do đó sau khi bán rừng anh vay thêm ngân hàng và mua ngay chiếc xe ben hạng trung để sau này chở mủ nhập cho các nhà máy. Anh cho biết: “ Khi mua xe nhiều người cho rằng tui dở hơi, mua xe làm gì trong khi việc nhà làm không hết. Mua xe về cứ như thợ đụng, ai gọi gì chạy nấy cho khổ.

Nhưng mình làm ăn phải tính toán lâu dài. Vật giá ngày một leo thang, cái gì cũng đắt đỏ hơn trước, nên có tiền tui mua xe. Giờ chưa có mủ để chở thì tui vào rừng “bo” gỗ. Trước mắt, chạy cho thạo tay nghề chứ khoảng 2-3 năm nữa thôi ngoài việc vận chuyển mủ cao su của mình xa hơn còn là để thu mua mủ trong vùng đem về nhập cho các nhà máy chế biến vì gần 40 hộ dân ở đây nhà nào ít nhất cũng có vài héc ta cao su sắp thu hoạch. Mình là nông dân, một lúc sao có số tiền lớn được, thôi thì phải chắt bóp, dành dụm, lấy ngắn nuôi dài thôi”.

Đi học… làm nông

Ông Trần Hữu Đá, Phó Chủ tịch UBND xã Gio Quang cho biết: “ Kinh tế trang trại, gia trại đang là mô hình làm ăn khá hiệu quả ở một xã thuần nông như Gio Quang. Hiện nay, Hội nông dân xã thường xuyên phối hợp với các trung tâm khuyến nông mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn kỹ thuật về nông nghiệp cho bà con. Ngày trước cán bộ phải trực tiếp vận động bà con đi học chứ bây giờ thì họ tự nguyện xin đăng ký đi học, nhiều người còn tự tìm hiểu, tự đầu tư đi học các lớp nghiệp vụ, kỹ thuật ở các trung tâm dạy nghề ”.

Sau nhiều lần gọi điện thoại đều bận đi tập huấn ở lớp chăn nuôi của huyện, cuối cùng chúng tôi mới gặp được ông Trần Xuân Dũng, thôn Trúc Lâm, xã Gio Quang. Ông là một trong những chủ trang trại theo hình thức VAC quy mô khoa học và lớn nhất của huyện Gio Linh. Với diện tích trang trại 6 ha bao gồm trồng cao su và cây ăn quả kết hợp chăn nuôi đàn lợn siêu nạc 300 con và hồ thả cá.

Khác với thái độ dứt khoát khi từ chối điện thoại, ông trò chuyện thoải mái với chúng tôi về ý tưởng lập trang trại của mình: “Trước đây gia đình tui chỉ trồng lúa, quần quật suốt ngày mà vẫn không đủ ăn. Con cái đi học đóng góp ngày càng nhiều nếu chỉ trông chờ vào hạt lúa là không ổn. Xem tivi thấy những điển hình về cách lập trang trại, nhất là mấy trang trại nuôi lợn siêu nạc ở trong Nam, tất cả đều công nghiệp, khép kín, chuồng trại chăn nuôi sạch sẽ, tui bắt đầu ôm ấp ý tưởng chăn nuôi lợn theo kiểu này”.

Để biến ước mơ thành hiện thực, ông Dũng lên Trạm khuyến nông- khuyến lâm huyện tìm cán bộ xin tư vấn, xin tài liệu mang về nhà đọc. Sau nhiều đêm trăn trở ông quyết định lên xã trình bày ý tưởng… Không lâu sau, ông được chính quyền xã Gio Quang đồng ý cho sử dụng 6 ha đất gần xóm tái định cư Trúc Lâm làm trang trại. Trò chuyện với ông, chúng tôi không khỏi bất ngờ về những kiến thức khoa học, kỹ thuật chăn nuôi, làm vườn mà ông tự mày mò học được.

Không chỉ quen với công việc giao dịch, làm ăn với khách hàng, những thủ tục, giấy tờ, chứng từ như hóa đơn đỏ, hóa đơn xuất kho, kiểm hàng… những công việc kế toán, thủ kho giờ đây ông đều làm một cách thành thạo. Khu chăn nuôi được xây dựng với hệ thống chuồng trại khép kín và cách ly hoàn toàn, ngoài vợ chồng ông không ai được phép ra vào.

Ông giải thích: “Không phải tôi mê tín dị đoan gì mà sách báo đều nói, cơ thể mình đi đứng, tiếp xúc cả ngày ngoài môi trường sống, nhiều khi vô tình tiếp xúc với vi khuẩn gây bệnh mà mình không biết. Nếu chưa tiêu độc khử trùng, tốt nhất là đừng vào để an toàn cho đàn lợn”.

Cũng vì thế, việc thú y, chăm sóc, thuốc men cho đàn lợn ông đều tự tay làm lấy. Để không lạc hậu, ông không quên dành thời gian cho việc đọc báo, xem tivi mỗi ngày hay tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn…về làm nông mỗi khi có cán bộ về tổ chức. Hiện nay, trang trại của ông cũng tạo việc làm thời vụ cho nhiều nông dân nhàn rỗi trên địa bàn.

Những năm gần đây, mô hình kinh tế trang trại đang bắt đầu cho những quả ngọt đầu tiên. Tuy nhiên, với lợi thế tiềm năng về đất đai và con người như hiện nay, chúng ta cần nhiều hơn nữa những người nông dân dám nghĩ, dám làm như thế.

Nguồn: Hội Nông Dân Quảng Trị

No comments:

Post a Comment